Thế giới tuần qua: Đối mặt thách thức mới từ biến thể Omicron
Lượt xem:
Thế giới tuần qua dồn sự chú ý vào biến thể Omicron – biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. Bên cạnh đó, ASEAN – Nga hoàn tất tập trận hải quân chung đầu tiên; EU, Nga và Iran bày tỏ lạc quan về vòng đàm phán hạt nhân mới; Taliban ra sắc lệnh về quyền của phụ nữ; GAVI triển khai vaccine ngừa sốt rét cho trẻ em tại châu Phi;… cũng là một số sự kiện đáng chú ý của tuần qua (28/11 – 5/12).
Những nghiên cứu mới về Omicron
Ngày 3/12, người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Christian Lindmeier cho rằng các hãng dược phẩm nên chuẩn bị cho “kịch bản” phải điều chỉnh công thức bào chế các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện hành nhằm ứng phó với biến thể mới Omicron.
Ông Lindmeier cho biết WHO vẫn đang nghiên cứu khả năng lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của biến thể mới Omicron. Hiện vẫn còn nhiều bí ẩn mà giới khoa học chưa thể giải mã về Omicron – biến thể được Nam Phi công bố ngày 25/11 vừa qua và đã lây lan ra ít nhất 20 quốc gia.
Omicron là biến thể đáng quan ngại thứ 5 của virus SARS-CoV-2 . (Ảnh: Unplash) |
Trước đó, ngày 2/12, các nhà khoa học Nam Phi công bố kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể gây nguy cơ tái nhiễm ở người đã khỏi bệnh cao hơn 3 lần so với các biến thể Delta và Beta. Nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng dịch bệnh học đầu tiên về nguy cơ Omicron có thể lẩn tránh miễn dịch có được sau khi nhiễm bệnh.
Cùng với việc nghiên cứu kĩ hơn về biến thể Omicron, giới khoa học cũng đang nghiên cứu về việc phòng ngừa biến thể mới thông qua vaccine. Ngày 3/12, nhà sáng lập hãng dược phẩm BioNTech của Đức Ugur Sahin đã đề cập sự cần thiết phải bào chế một loại vaccine mới ngừa COVID-19 trước sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng đột biến cao. Trước đó, Trung tâm Dịch tễ học và Vi sinh vật học Quốc gia Gamaleya ở Nga hôm 29/11 thông báo đã bắt đầu phát triển một phiên bản mới của vaccine Sputnik được điều chỉnh để nhắm mục tiêu vào biến thể Omicron của COVID-19.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia cảnh báo các biến thể mới thường sinh sôi ở những khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 thấp và từ đó tấn công các khu vực còn lại của thế giới. Do đó, giới chuyên gia cho rằng ngay khi nhanh chóng tạo ra được vaccine mới, các nước cần nỗ lực triển khai tiêm vaccine cho những người còn do dự, cũng như chuyển vaccine tới những nơi tiếp cận vaccine chậm, chủ yếu ở châu Phi. Nếu không, thế giới sẽ “mắc kẹt” trong cuộc chiến chống biến thể.
ASEAN – Nga hoàn tất tập trận hải quân chung đầu tiên
Ngày 4/12, Hải quân Indonesia thông báo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nga đã kết thúc cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên.
Tàu chiến chống ngầm lớn Đô đốc Panteleyev. (Nguồn: AFP) |
Cuộc tập trận kéo dài 3 ngày ngoài khơi tỉnh Bắc Sumatra của Indonesia nhằm mục đích tăng cường khả năng phối hợp hành động giữa hải quân các nước thành viên ASEAN và Nga trong khu vực hàng hải chiến lược này. Hải quân Indonesia nhấn mạnh cuộc tập trận có tác động chiến lược, giúp củng cố tình hữu nghị giữa các nước thành viên ASEAN và Nga.
Tham gia cuộc tập trận gồm hai giai đoạn này, các nước thành viên ASEAN gồm Indonesia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Brunei đã đưa tàu chiến hoặc máy bay. Trong khi đó, Philippines tham gia với tư cách quan sát viên trực tuyến.
Đây là cuộc tập trận hải quân mới nhất của các nước ASEAN trong năm nay. Ông Aleksei Bolotnikov, Chỉ huy tàu chiến Đô đốc Panteleyev, bày tỏ hy vọng cuộc tập trận ASEAN-Nga tiếp theo có thể diễn ra tại Vladivostok.
EU, Nga và Iran bày tỏ lạc quan về vòng đàm phán hạt nhân mới
Các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU), Nga và Iran ngày 29/11 đã bày tỏ lạc quan về vòng đàm phán hạt nhân mới của Iran nhằm khôi phục thỏa thuận năm 2015 sau hơn 5 tháng gián đoạn.
Cuộc họp của Ủy ban Hỗn hợp về Kế hoạch Hành động Toàn diện tại Vienna, Áo vào ngày 6/4/2021. (Ảnh: Xinhua) |
Theo đó, tối 29/11 (giờ Việt Nam), vòng đàm phán mới của Ủy ban chung gồm Iran, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức về khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), đã diễn ra tại thủ đô Vienna (Áo).
Cũng trong ngày 29/11, Đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách điều phối các cuộc thảo luận khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran, ông Enrique Mora cho biết đã gặp các quan chức đàm phán của Trung Quốc, Nga và Iran. Theo ông, đây là những tín hiệu rất tích cực, thể hiện “ý chí rõ ràng” về việc khôi phục JCPOA.
Trong khi đó, Đại sứ của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) Mikhail Ulyanov cũng chỉ rõ những cuộc gặp đầu tiên trong vòng đàm phán mới nhằm mục đích nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đã kết thúc và khởi đầu “một cách thành công mỹ mãn”.
Đồng quan điểm với đại sứ của Nga, Trưởng phái đoàn đàm phán hạt nhân Iran, ông Ali Bagheri Kani cũng bày tỏ lạc quan về những cuộc gặp đầu tiên diễn ra trong ngày 29/11.
Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu sự lạc quan này có thể chuyển thành kết quả thực sự hay không.
Taliban ra sắc lệnh về quyền của phụ nữ
Ngày 3/12, chính quyền Taliban ở Afghanistan đã ban hành sắc lệnh về quyền của phụ nữ, trong đó nêu rõ không được coi phụ nữ là “tài sản” và việc kết hôn phải được sự đồng ý của phụ nữ.
Phụ nữ Afghanistan đi trên đường phố Kabul. (Ảnh: TTXVN/AFP) |
Sắc lệnh quy định không được ép buộc phụ nữ kết hôn và người vợ phải được chia tài sản chung khi người chồng qua đời. Sắc lệnh yêu cầu các tòa án phải căn cứ các quy định mới về quyền của phụ nữ khi ra phán quyết, đồng thời các bộ phụ trách thông tin và tôn giáo phải nỗ lực thúc đẩy các quyền này. Tuy nhiên, sắc lệnh không đề cập quyền của phụ nữ được tiếp cận giáo dục hoặc ra ngoài làm việc.
Sau khi giành kiểm soát Afghanistan vào giữa tháng 8 vừa qua, Taliban tuyên bố sẽ không áp dụng các chính sách hà khắc như thời kỳ Taliban nắm quyền lãnh đạo từ năm 1996-2001. Theo đó, Taliban đã cho phép mở trường học dành cho nữ sinh tại một số tỉnh và đưa ra những thông điệp ôn hòa như khuyến khích phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, thậm chí tham gia chính quyền mới. Tuy nhiên, trong chính phủ tạm quyền của Taliban công bố hồi đầu tháng 9, tất cả các vị trí cấp cao không có đại diện của nữ giới.
Taliban đang đứng trước sức ép của cộng đồng quốc tế ra điều kiện chỉ hợp tác với chính quyền Taliban nếu chính quyền này tôn trọng các quyền cơ bản ở Afghanistan, bao gồm quyền của phụ nữ.
Triển khai vaccine ngừa sốt rét cho trẻ em tại châu Phi
Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) ngày 2/12 cho biết hội đồng quản trị của GAVI đã phê duyệt khoản ngân sách ban đầu trị giá 155,7 triệu USD dành cho việc triển khai vaccine ngừa sốt rét đầu tiên cho trẻ em ở khu vực cận Sahara của châu Phi.
Y tá giải thích về vắc xin sốt rét với các bà mẹ có con nhỏ tại Ghana . (Ảnh: AFP) |
Chủ tịch của GAVI, ông Jose Manuel Barroso, cho biết ông rất vui mừng khi hội đồng quản trị của GAVI đã thông qua kế hoạch tài trợ cho chương trình tiêm chủng ngừa bệnh sốt rét mới, đồng thời khẳng định nhờ những nỗ lực hợp tác của cộng đồng y tế toàn cầu, GAVI đã được trang bị tốt hơn để đối phó với bệnh sốt rét. Cũng theo ông Barroso, một khi vaccine được triển khai trên quy mô lớn sẽ có thể giúp bảo vệ hàng triệu người khỏi căn bệnh này.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của GAVI, ông Seth Berkeley khẳng định khoản tài trợ mà Hội đồng quản trị GAVI thông qua sẽ giúp hỗ trợ việc giới thiệu, mua sắm và cung cấp vaccine sốt rét, RTS, S cho các quốc gia đủ điều kiện sử dụng ở khu vực cận Sahara giai đoạn 2022-2025. Điều này có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em ở châu Phi cũng như cứu sống hàng chục nghìn sinh mạng mỗi năm taị châu lục này.
Trước đó, vào tháng 10/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công nhận vaccine ngừa sốt rét RTS, S/AS01 là vaccine đầu tiên chống lại bệnh sốt rét. Theo WHO, mỗi năm, sốt rét cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người, trong đó chủ yếu là những người sống ở khu vực cận Sahara của châu Phi, bao gồm 260.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Theo số liệu của WHO, ít nhất 386.000 người châu Phi đã thiệt mạng vì sốt rét trong năm 2019, so với khoảng 212.000 trường hợp tử vong được xác nhận do COVID-19 trong 18 tháng qua. Trong khi đó, căn bệnh này lại hiếm gặp ở các nước phát triển. Ở Mỹ, mỗi năm chỉ ghi nhận khoảng 2.000 ca, phần lớn người nhiễm là du khách trở về từ các nước có dịch./.
PV (Tổng hợp)/dangcongsan.vn